CCNA hay MCSA ?

 

Bên cạnh những kiến thức từ ghế nhà trường, nhiều bạn sinh viên (lĩnh vực ICT) rất quan tâm đến việc học thêm 1 chứng chỉ quốc tế nào đó. Trong những năm gần đây thì nền kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu nhân lực đối với các cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu chất lượng cao thì việc ưu tiên những bạn có chứng chỉ CCNA, MCSA... luôn là chuyện bình thường. Tuy nhiên câu hỏi được nhiều bạn quan tâm và hỏi nhất là: Em nên học hay CCNA hay MCSA, học cái nào trước cái nào sau, học xong mấy cái này ra trường có xin việc được hay không...
Thử so sánh?

Trước tiên, hãy cùng xem CCNA và MCSA là gì?

Theo Cisco, CCNA (được mặc định hiểu là R&S: Routing & Switching) là chứng chỉ thể hiện kiến thức cơ bản về mạng, người đạt được chứng chỉ này có đủ kỹ năng và kiến thức để cài đặt, cấu hình, vận hành, xử lý sự cố cho những mạng LAN, WAN... vừa và nhỏ (thường là quy mô 100 nodes trở xuống). Đối với chương trình đào tạo này thì sẽ giúp bạn hiểu rõ những kiến thức về mô hình TCP/IP, mô hình OSI, các giao thức định tuyến như RIPv2, OSPF, EIGRP, kiến thức về Ethernet, IP, ARP, Frame Relay, Wireless, VLANs, Access Lists... Đối với người khó tính thì thấy nhiều kiến thức công nghệ liên quan đến hãng Cisco... nhưng thực tế nếu xem xét kỹ sẽ thấy những nội dung này cực kỳ hữu ích, nó trang bị cho người học những khái niệm cơ bản nhất về networks, hiểu rõ về hoạt động của mạng, các lớp mạng, các giao thức... để khi bạn gặp bất cứ một thiết bị khác, bạn sẽ không bỡ ngỡ vì những gì bạn đã được học hoàn toàn sẽ giúp bạn chủ động tiếp nhận, đọc & hiểu được thiết bị mới (thông qua guide). Có nhiều người cũng ví học CCNA giống như học về phần cứng (vì đa phần nội dung bạn học liên quan nhiều đến 3 tầng đầu trong mô hình OSI).


Còn Microsoft, bản chất các chứng chỉ Microsoft nói chung (MCTS, MCSA, MCSE, MCITP...) xác nhận những người có các chứng chỉ này đủ khả năng triển khai thành công một sản phẩm hay một công nghệ của Microsoft, trong đó bao gồm kỹ năng thực hành trên sản phẩm đó. Trong phạm vi này thì chỉ nói về MCSA (on Windows server 2003, 2008, 2012), rõ ràng các kiến thức trong chương trình MCSA sẽ thiên về cài đặt, vận hành, sử dụng, xử lý sự cố trên hệ thống Windows server (mà trong quá trình học người dùng sẽ hiểu rõ về người dùng, nhóm, các chính sách, các dịch vụ mạng... phương án lập kế hoạch...) Cũng có nhiều người ví học MCSA là học về phần mềm (vì học trên các sản phẩm phần mềm của Microsoft).

Như vậy, có thể thấy rằng hai chứng chỉ này không cùng loại để mà so sánh, cũng như Cisco là hãng về thiết bị (phần cứng) và Microsoft là hãng về phần mềm. Tuy nhiên, chúng có những kiến thức liên quan và bổ sung cho nhau để có thể làm việc thực tế. Cả hai chứng chỉ này đều yêu cầu người học phải có kiến thức nền tảng về mạng (khái niệm chung, mô hình, giao thức,...). Ở góc độ này, CCNA đi sâu hơn về kỹ thuật mạng (nhất là về TCP/IP) trong khi MCSA tập trung vào phần mềm máy chủ (server) hoặc máy trạm (client) và các dịch vụ chạy trên nó.

Có nên học cả hai?

CCNA là Cisco Certified Network Associate, còn MCSA là Microsoft Certified Solutions Associate (trong MCSA 2003 thì chữ S là Systems). Chúng ta có thể thấy rõ ràng CCNA sẽ hướng về network (một số nội dung focus vào sản phẩm của Cisco), còn MCSA hướng về hệ thống/giải pháp (của Microsoft). Nếu muốn trở thành chuyên viên, chuyên gia về quản trị mạng, bạn cần có kiến thức nền về mạng và các giao thức (nội dung này được cung cấp kỹ càng trong CCNA), nên đương nhiên bạn cần học về CCNA. Tuy nhiên hiện nay với sự phổ biến của các sản phầm công nghệ Microsoft thì bạn cũng không nên bỏ qua chứng chỉ MCSA này, nhất là bạn muốn sau này có thể vận hành và làm việc tốt với một hệ thống server/client của Microsoft.

vdctraining.vn

Post a Comment

Previous Post Next Post